Chương Trình Xuất Khẩu Sáng Kiến Bảo Vệ Môi Trường

Chào mừng bạn đến với dự án S-IRCLE


Đôi nét về dự án S-IRLCE
Dự án S-IRCLE tập trung xử lý vấn đề làm sạch khí trong các công trình khí sinh học quy mô nhỏ. Mục tiêu chính của dự án là phát triển một bô lọc thông minh, tự động, có thể tái sinh, nhằm loại bỏ hiệu quả hydro sunfua (H2S) trong khí sinh học. Sự tồn tại của H2S trong khí sinh học gây ra các rủi ro về sức khỏe của người sử dụng khí sinh học và dẫn đến ăn mòn, làm giảm tuổi thọ của các thiết bị sử dụng khí sinh học. Dự án S-IRLCE cũng nghiên cứu tái chế lưu huỳnh hấp phụ trên bề mặt vật liệu lọc thành phân bón lưu huỳnh, giúp tuần hoàn lưu huỳnh bền vững.

Nhìn chung, dự án S-IRCLE tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ mới và đánh giá môi trường, nhằm đóng góp vào sự tiến bộ của công nghệ khí sinh học tại Việt Nam và giúp cho việc sử dụng khí sinh học an toàn, bền vững và hiệu quả hơn.

TIN TỨC DỰ ÁN


Hội thảo Quốc tế lần thứ 4 tổ chức thành công tại Hà Nội

25/09/2024

Trong khuôn khổ dự án S-ircle, Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 đã được tổ chức thành công tại Hà Nội vào ngày 19 tháng 9, do ĐH Kỹ thuật Berlin và ĐH Bách khoa Hà Nội (HUST) phối hợp tổ chức. Các chuyên gia, nhà khoa học và nghiên cứu sinh từ các Đại học, Hiệp hội lớn như ĐH Kỹ thuật Dortmund, ĐH Hiroshima, ĐH Thái Nguyên và Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã cùng có mặt tham dự sự kiện. Tại đây, hội nghị đã có 10 bài trình bày và 10 poster trưng bày tập trung vào ba chủ đề chính: Biomass và năng lượng Sinh học, Công nghệ Bền vững, và Đánh giá và Quản lý Tác động Môi trường. Qua đó, sự kiện đã tạo ra một không gian mở cho cả các chuyên gia Việt Nam và quốc tế chia sẻ kiến thức và hợp tác phát triển các phương pháp quản lý chất thải hữu cơ hiệu quả và bền vững, phù hợp với bối cảnh địa phương.


S-ircle tại Hội nghị Xuất khẩu Sáng kiến Bảo vệ Môi trường

18/09/2024

Vào ngày 5 và 6 tháng 9, khoảng 100 người từ lĩnh vực Công nghê Xanh (GreenTech) đã tham dự hội nghị thường niên của "Sáng kiến Xuất khẩu Bảo vệ Môi trường" (EXI - Exportinitiative Umweltschutz) do Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức tại Berlin. EXI nhắm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa có công nghệ xanh đổi mới, tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế và hỗ trợ các cơ hội gia nhập thị trường. Trong số gần 50 dự án đang được EXI tài trợ, S-ircle là một trong sáu dự án được chọn trưng bày sản phẩm trong buổi triển lãm. Giáo sư Vera Susanne Rotter đã trình bày tổng quan về dự án, bà Trang Hoàng và kĩ sư Marcel Spahr chia sẻ chi tiết về thí nghiệm được thực hiện cũng như thiết bị được lắp đặt. Sự kiện không chỉ mở ra không gian trưng bày sản phẩm của dự án mà còn tạo ra một cơ hội cho việc trao đổi và kết nối, thúc đẩy các mối quan hệ và tiềm năng hợp tác.


Khảo sát về việc tái sử dụng nhựa đã hoàn thành

28/06/2023

Cuộc khảo sát về việc tái sử dụng nhựa tại Việt Nam do trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thực hiện đã hoàn thành. Mục tiêu của cuộc khảo sát này là cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình tái chế nhựa hiện nay ở Việt Nam. Hơn 10 công ty môi trường lớn nhỏ trên khắp Việt Nam đã tham gia hợp tác cung cấp thông tin về việc thu gom rác thải nhựa—liên quan đến số lượng, phân loại và phương pháp, cũng như tái chế—liên quan đến nguồn gốc, phân loại, phương pháp và kết quả. Từ kết quả của cuộc khảo sát, chúng tôi sẽ thực hiện phân tích dòng nguyên liệu để định lượng dòng nguyên liệu của các loại rác thải nhựa khác nhau, với mục đích đánh giá tác động môi trường như hiệu quả sử dụng tài nguyên, khí thải nhà kính và sức khỏe con người.


THƯ MỜI GỬI BÀI THAM DỰ - Hội thảo quốc tế VAR lần thứ 4

20/05/2024

Hội thảo quốc tế lần thứ 4 với chủ đề “Đánh giá phụ phẩm nông nghiệp hướng tới nông nghiệp thông minh với khí hậu ở khu vực Đông Nam Á” trong khuôn khổ dự án S-IRCLE sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 9, 2024 ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà Nội, Việt Nam. Thông tin chi tiết tại mục HỘI THẢO VAR4. Kính mời các nhà khoa học và các nghiên cứu sinh gửi bài tham dự hội thảo theo các chủ đề dưới đây:

Chủ đề 1: Tài nguyên sinh khối và năng lượng sinh học

  • Dòng vật chất trong rác thải nông nghiệp (nguồn gốc, đặc tính, định lượng, kiểm kê)
  • Huy động, vận chuyển và cung ứng sinh khối
  • Sử dụng phụ phẩm hữu cơ để tạo năng lượng sinh học như khí sinh học, RDF,...

Chủ đề 2: Công nghệ bền vững

  • Công nghệ đổi mới cho việc tận dụng và xử lý phụ phẩm
  • Công nghệ đổi mới cho xử lý không khí, nước và đất trong nông nghiệp
  • Sử dụng phụ phẩm trong công nghệ sinh học công nghiệp
  • Công nghệ đổi mới cho tái chế nhựa
  • Kinh tế tuần hoàn nhựa
  • Công nghệ sản xuất phân bón từ phụ phẩm nông nghiệp

Chủ đề 3: Tác động môi trường và quản lý

  • Giám sát tác động môi trường bao gồm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm và biện pháp giảm thiểu trong nông nghiệp
  • Quản lý sinh khối, chiến lược và chính sách kinh tế tuần hoàn
  • Thách thức và cơ hội cho các công nghệ bền vững
  • Quản lý đất và nước bền vững trong nông nghiệp
  • Mô hình dịch vụ và tài chính cho nông nghiệp bền vững


Hội thảo khoa học tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

25/03/2024

Ngày 22 tháng Ba, các đối tác của dự án đã gặp gỡ trao đổi tại Hội thảo Khoa học về Công nghê tuần hoàn biogas diễn ra tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cuộc họp có sự tham gia của phía Trường Đại học Kĩ thuật Berlin, Công ty Kĩ thuật môi trường, Công ty cổ phân Công nghệ Egreen, và đặc biệt đoàn đại biểu của Ban Quản lý dự án Z-U-G gGmbH được tài trợ bởi Bộ Tài nguyên Môi trường Đức. Tại đây, các đối tác đã lần lượt trình bày những kết quả thu được giữa chu kì dự án cũng như dự kiến tiến trình nửa sau của dự án, và thảo luận trao đổi về vấn đề xử lí khí sinh học, cũng như công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói chung. Sau buổi họp, đoàn đối tác cũng đã ghé thăm chụp ảnh kỉ niệm cùng cây dự án của S-IRCLE được trồng vào tháng Tám năm ngoái. Buổi hội thảo diễn ra thành công, đánh dấu sự khởi đầu hợp tác phát triển giữa đối tác Việt Nam và Đức trong lĩnh vực Công nghệ tuần hoàn trong tương lai gần.


S-IRCLE trao đổi kết nối tại SUA Symposium, TU Dortmund

10/05/2024

Vào ngày 29 và 30 tháng 4, bà Trang Hoàng, đại diện cho S-IRCLE, đã tham dự Hội nghị chuyên đề SUA (Smart Urban Areas - Khu vực Đô thị Thông minh) được tổ chức tại Đại học TU Dortmund, với chủ đề “Grün, Blau, Grau - Symposium zu klimaangepassten Gebäudetechnologie” (“Xanh hay Xám - Hội thảo về Công nghệ Xây dựng Thích ứng với Khí hậu"). Hội nghị được tổ chức tại tòa nhà IBZ trong khuôn viên trường Đại học TU Dortmund với mục đích tập trung vào các công nghệ xây dựng bền vững. Các đại biểu tham dự bao gồm Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thịnh, Trưởng dự án SUA, Đại sứ Việt Nam tại Berlin ông Vũ Quang Minh và ông Daniel Roos từ Ban Quản lý dự án Z-U-G. Trong sự kiện, đại diện từ SUA, CapaViet, InReUse và S-IRCLE đã trình bày ý tưởng, tiến trình và phát triển của các dự án. Ngoài ra, đoàn cũng đã tham quan Nhà máy WILO 4.0 - một mô hình tích hợp kỹ thuật mô phỏng sự phát triển bền vững của sản phẩm trong sản xuất và logistics.


Tham quan ba cơ sở lắp đặt thử nghiệm ở Nam Định

24/03/2024

Vào ngày 21 tháng Ba, nhà nghiên cứu phía Trường Đại học Kĩ thuật Berlin, kĩ sư Marcel Spahr phía Công ty Kĩ thuật môi trường Herbst, cùng đoàn chuyên gia Ban Quản lý dự án ZUG gGmbH được tài trợ bởi Bộ Tài nguyên Môi trường Đức, đã thực địa tại địa bàn xã Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Với sự giúp đỡ của đối tác phía Việt Nam - Công ty cổ phần Công nghệ Egreen và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - đối tác ở Đức đã hoàn thành công tác khảo sát về mặt kĩ thuật của ba cơ sở khí sinh học lắp đặt thử nghiệm lọc khí H2S. Bộ lọc thử nghiệm không chỉ nhận được những phản hồi tích cực từ phía các hộ sử dụng, mà gây được ấn tượng với thành viên trong đoàn. Sau gần một năm lắp đặt, dù lượng khí biogas sử dụng cho đun nấu lên đến 200m3, bộ lọc luôn đảm bảo lượng khí H2S ở đầu ra bằng 0. Cuộc ghé thăm lần này đánh dấu bước đệm phát triển giữa chu kì dự án và hứa hẹn những tiến bộ của dự án trong thời gian tới.


Thu hoạch cải chíp của thí nghiệm thứ hai

22/12/2023

Vào một ngày mùa đông, ngày 19 tháng 12, cải chíp đã trưởng thành, sẵn sàng để thu hoạch sau 60 ngày. Tiến trình của buổi thu hoạch lần này tương tự như trong thí nghiệm đầu tiên: sau công đoạn chuẩn bị tỉ mỉ, mẫu rễ, mầm và đất được thu thập và sấy khô. Công đoạn phân tích diễn ra sau kỳ nghỉ Giáng sinh: mẫu được nghiền thành dạng bột để đo hàm lượng nguyên tố bằng xét nghiệm ICP, sau đó được chiết xuất để đo nồng độ của các hợp chất tan.


Bắt đầu thí nghiệm thứ hai

31/10/2023

Viện Rau và Cây Cảnh Leibniz (IGZ) tiếp tục hỗ trợ địa điểm cho thí nghiệm thứ hai của dự án. Lần này, thí nghiệm được tiến hành nhằm mục đích nghiên cứu sự phát triển của cây trong các hỗn hợp đất khác nhau: FerroSorp trộn phân vô cơ, compost hoặc bã từ bể khí sinh học. Vào ngày 20 tháng 10, 25 chậu cải chíp đã nảy mầm và được chuyển đến nhà kính có trang bị đèn sưởi. Chúng tôi bố trí tưới nước cho cây hai lần mỗi tuần, và cũng ghi lại chiều cao, khối lượng và số lượng lá để phục vụ cho việc phân tích sau này.


Kết thúc thí nghiệm đầu tiên

23/08/2023

Ngày 22 tháng 8, tại Viện Rau và Cây cảnh Leibniz (IGZ), dự án đã thu hoạch thành công 30 cây cải chíp và 10 cây đậu tương. Mầm và rễ của cây được rửa sạch, chia ra làm hai loại mẫu và cân trọng lượng; mỗi chậu cũng được xét lấy mẫu đất riêng. Những mẫu này được mang đi sấy khô để chuẩn bị cho giai đoạn phân tích. Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi tiến hành đo thông số cũng như các tính chất khác nhau của cây qua nhiều phương pháp phân tích, từ đó đưa ra những kết luận về sự phát triển của cây khi sử dụng hạt FerroSorp với các kích cỡ khác nhau làm phân bón.


Hoàn thiện việc lắp đặt bộ lọc biogas thử nghiệm

07/08/2023

Các kỹ nư từ HUT và EG đã lắp đặt thành công bộ lọc biogas mới tại 3 công trình khí sinh học quy mô hộ gia đình ở tỉnh Nam Định. Các hệ thông này ngoài bộ lọc còn có bộ ghi dữ liệu, bơm khí để bơm không khí vào giúp hoàn nguyên hạt lọc trong quá trình sử dụng, đầu đo áp suất, nhiệt độ khí và đồng hồ đo lưu lượng khí đi qua bộ lọc. Các bộ lọc này sẽ được thử nghiệm trong vòng một năm, do kỹ sư của EG tại địa phương giám sát.


Hội thảo dự án S-IRCLE tại Hà Nội

04/08/2023

"Công nghệ khí sinh học tuần hoàn - Bộ lọc thông minh giúp loại bỏ H2S và thu hồi lưu huỳnh" đã diễn ra thành công. Trong hội thảo, bà Hoàng Trang đã giới thiệu tổng quát về dự án S-IRCLE và kỹ sư Marcel Spahr (HUT) đã trình bày về bộ lọc thông minh có khả năng hoàn nguyên liên tục. Dự án S-IRCLE nhận được sự quan tâm của các bên tham gia, những câu hỏi và góp ý để ứng dụng công nghệ mới đối với điều kiện ở Việt Nam. Tham gia hội thảo có Hiệp hội Khí sinh học Việt Nam, nhóm dự án SNV BioLive, các công ty khí sinh học và nông trại.


Cây dự án S-IRCLE được trồng tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

04/08/2023

Sự kiện trồng cây được tổ chức trong khuôn viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, với sự tham gia của các đối tác dự án S-IRCLE. Cây bưởi diễn được lựa chọn vì đây là cây ăn trái lâu năm và và loại cây địa phương tại Việt Nam. Cây bưởi sẽ phát triển cùng dự án S-IRCLE và góp phần vào việc chông biến đổi khí hậu.


Khảo sát các công trình khí sinh học tại tỉnh Nam Định

03/08/2023

Kỹ sư Marcel Spahr (HUT) đã đến Việt Nam và với sự hỗ trợ của kỹ thuật viên - anh Thuận (EG) đã đến khảo sát 3 công trình khí sinh học quy mô hộ gia đình ở tỉnh Nam Định. Mục đích của cuộc khảo sát là để tiến hành lắp đặt thử nghiệm bộ lọc khí sinh học mới, nhằm loại bỏ H2S trong khí sinh học, giúp người sử dụng khi sinh học an toàn và kéo dài tuổi thọ thiết bị sử dụng khí sinh học.


Thư mời và đăng ký tham dự hội thảo

01/07/2023

Trong khuôn khổ dự án S-IRCLE, hội thảo "Công nghệ khí sinh học tuần hoàn - Hệ thống bộ lọc thông minh loại bỏ H2S và thu hồi lưu huỳnh" sẽ được tổ chức tại khách sạn Sunway, Hà Nội vào ngày 04/08/2023. Với sự tham gia của các chuyên gia và công ty khí sinh học tại Việt Nam và Đức. Mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu dự án S-IRCLE, bộ lọc khí mới được phát triển bởi công ty Herbst Umwelt Technik GmbH dành cho các công trình khí sinh học quy mô nhỏ, và nhằm thảo luận một cách toàn diện về các ưu nhược điểm của công nghệ mới, cũng như các tiềm năng và phương thức để công nghệ có thể được áp dụng rộng rãi trên cả nước. Thư mời, kế hoạch hội thảo và biểu mẫu đăng ký, vui lòng xem các mẫu dưới đây:

Thông tin về chương trình hội thảo: xem tại đây

Bản đăng ký tham dự hội thảo: xem tại đây


Thí nghiệm sử dụng vật liệu lọc biogas trên cây trồng

16/06/2023

Trường Đại học kỹ thuật Berlin đã tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa kích thước hạt của FerroSorp, vật liệu hấp thụ được dùng trong bộ lọc biogas nhằm loại bỏ H2S và sự giải phóng lưu huỳnh trong đất. Nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng sử dụng FerroSorp như một dạng phân bón bổ sung lưu huỳnh cho cây trồng. Thí nghiệm được tiến hành trên cây cải (Pak Choi), trong điều kiện nhà kính mở, tại viện IGZ ở Großbeeren. Thời gian thử nghiệm sẽ từ 9 đến 10 tuần sau khi gieo hạt.


Giáo sư Nguyễn Thị Ánh Tuyết tới thăm trường TU Berlin

17/04/2023

Giáo sư Nguyễn Thị Ánh Tuyết, trưởng viện INEST, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có buổi thăm và làm việc tại trường Đại học Kỹ Thuật Berlin. Giáo sư Nguyễn Thị Ánh Tuyết và giáo sư Vera Susanne Rotter, trưởng bộ môn Kinh tế tuần hoàn và công nghệ tái chế ở trường Berlin đã có buổi gặp và trao đổi ý tưởng và ký kết hợp tác giữa hai đơn vị. Buổi ký kết đặt nền tảng cho sự hợp tác hiệu quả và lâu dài giữa 2 giáo sư và hai trường đại học.


Khởi động dự án S-IRLCE

06/04/2023

Buổi họp khởi động dự án UKAVita diễn ra trực tuyên, được tổ chức bởi bộ môn Kinh tế tuần hoàn và Công nghệ Tái chế, trường Đại học Kỹ Thuật Berlin cùng với sự tham gia của các đối tác dự án bao gồm: công ty Kỹ thuật môi trường Herbst, công ty Egreen và viện INEST, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong buổi khởi động, các bên có dịp để giới thiệu về lĩnh vực hoạt động của mình và cùng nhau trao đổi thảo luận cách thực hiện các gói công việc của dự án.



03/2023 – 02/2025