Dự án S-IRLCE
Ở Việt Nam, có hơn 500.000 công trình khí sinh học (KSH) quy mô nhỏ với thể tích bể nhỏ hơn 50m3.
Những công trình KSH này chủ yếu tạo ra KSH để sử dụng cho nấu ăn trong gia đình.
Mục đích sử dụng KSH ở Việt Nam bị hạn chế do nồng độ hydro sulfua (H2S) cao trong KSH.
H2S là một khí độc hại đối với sức khỏe con người ngay cả với nồng độ thấp, và có một mùi hôi đặc trưng giống như trứng thối.
Sự tồn tại của H2S trong KSH có thể gây ăn mòn và làm giảm đáng kể tuổi thọ của các thiết bị biogas như bếp, đèn, máy phát điện.
Các bộ lọc KSH hiện có trên thị trường không hiệu quả trong việc loại bỏ H2S, có tuổi thọ ngắn và không được bảo hành.
Do đó, một bộ lọc KSH chất lượng cao, hiệu quả và có tuổi thọ cao là rất cần thiết đối với các hộ sử dụng KSH ở Việt Nam.
Dự án S-IRLCE: Công nghệ khí sinh học tuần hoàn - Bộ lọc thông minh loại bỏ H2S và thu hồi lưu huỳnh. Dự án S-IRCLE tập trung vào 2 mục tiêu: (1) phát triển một bộ lọc thông minh, tự động, có thể tự tái sinh nhằm loại bỏ H2S trong các công trình KSH quy mô nhỏ và
(2) tái chế lưu huỳnh thu hồi được trong vật liệu lọc thành phân bón lưu huỳnh.
Bộ lọc sẽ được cải tiến và nâng cấp để có thể tái sinh vật liệu tự động,
sau đó sẽ được ứng dụng thử nghiệm trong vòng 1 năm tại 3 công trình KSH ở miền Bắc Việt Nam dưới sự giám sát của đối tác Egreen.
Bên cạnh đó, vật liệu lọc sau khi nạp đầy sẽ được thử nghiệm để (1) nghiên cứu mối liên quan giữa kích thước hạt của vật liệu lọc và sự giải phóng lưu huỳnh từ vật liệu trong đất,
(2) đánh giá hiệu quả phân bón của ba loại phân bón được phát triển từ vật liệu lọc. Dự án cũng sẽ tiến hành khảo sát và thu thập dữ liệu về hệ thống xử lý chất thải và tái chế của
Việt Nam nhằm đánh giá khả năng tái chế của bộ lọc trong điều kiện địa phương. Cuối cùng, phương pháp phân tích dòng vật liệu (Material Flow Analysis - MFA) sẽ được áp dụng để đánh giá
các tác động đối với môi trường của bộ lọc KSH mới so với tình trạng hiện tại. Dự án sẽ tổ chức một buổi hội thảo về KSH với sự tham gia của các bên liên quan trong lĩnh vực KSH ở Việt Nam và một hội nghị khoa học quốc tế
để chia sẻ rộng rãi kết quả đạt được trong dự án.
Flyer của dự án S-IRCLE
Xem thêm chi tiết flyer ở đây.